Tổng quan Giống vật nuôi ngoại nhập ở Việt Nam

Tình hình nhập

Một xe xích lô chở bán giống lợn trắng ở một chợ tại Hà Nội
Thịt lợn trắng công nghiệp được chặt bán tại chợ ở Sài Gòn

Mặc dù Việt Nam là quốc gia có nhiều giống vật nuôi, nhưng phần lớn các giống này đều có năng suất thấp, thời gian nuôi dài, do vậy ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, họ đã phải nhập khẩu một số giống lợn, vịt, gà, bò Lang trắng đen, trâu Murah. Hiện nay thì hàng trăm giống mới đã và đang được du nhập vào Việt Nam, không chỉ có bò, dê, gà mà cả ong, tằm cũng phụ thuộc vào nước ngoài. Ngoài các giống vật nuôi, hằng năm một số giống gia súc, gia cầm mới vẫn được nhập khẩu vào để nuôi khảo nghiệm. Hầu hết các giống vật nuôi phổ biến của thế giới đã có mặt ở Việt Nam. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2000-2010, hằng năm đã nhập khẩu bình quân khoảng 1,0-1,2 triệu con giống gia cầm, nhập 500-1.000 lợn giống, nhập 5.000-6.000 bò giống sữa và bò thịt[4].

Dù là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm Việt Nam phải tốn hàng trăm triệu USD để nhập khẩu con giống. Các giống heo, gà, bò đều phải nhập và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ các công ty nước ngoài. Mỗi năm Việt Nam tốn khoảng 6 triệu USD (126 tỷ đồng) nhập giống gia súc, gia cầm (chưa tính bò sữa, bò giống). Trong đó, tốn khoảng 2 triệu USD nhập giống lợn, 4 triệu USD giống gia cầm. Bình quân đã nhập khẩu bình quân khoảng 1-1,2 triệu con giống gia cầm, hơn 1.000 heo giống, 7.000-8.000 bò giống sữa và thịt, chưa kể một lượng giống nhập lậu khổng lồ từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Việt Nam nhập giống vì năng suất, chất lượng giống ngoại tốt hơn hẳn giống ở các cơ sở trong nước. Đây là nguồn nhập để đảm bảo cho việc lai tạo, nâng cao chất lượng vật nuôi và cải thiện giống vật nuôi cho Việt Nam[5].

Tính chung, hàng năm Việt Nam chi hơn 114 tỷ đồng nhập giống vật nuôi, chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2014, ngành chăn nuôi Việt Nam đã chi 5,44 triệu USD (114 tỷ đồng) nhập khẩu giống lợn và gia cầm, bằng 90% so với giá trị nhập khẩu của cả năm trước. Trong đó, nhập khẩu lợn giống là khoảng 1,52 triệu USD (31,9 tỷ đồng), nhập khẩu gia cầm đạt khoảng 3.92 triệu USD (82 tỷ đồng). Thị trường nhập khẩu lợn giống Việt Nam chủ yếu ở Canada, Mỹ và Thái Lan, trong đó từ lợn giống từ Canada là lớn nhất về lượng và giá trị kim ngạch, chiếm hơn 36,8%[6]. Trái ngược với thế giới, các công ty giống Việt Nam lại bắt đầu từ giống cha mẹ sản xuất ra con thương phẩm. Ngay cả con heo giống cụ kị nhập khẩu về cũng chỉ khai thác được 3-4 năm, những trang trại tự làm cũng được vài năm là thoái hóa giống, năng suất, chất lượng giảm nên năm nào cũng phải nhập giống[5].

Tác động

Một chợ bày bán các loại trứng ở Việt NamChân gà được bày bán tại chợ ở Sài Gòn, phần nhiều trong số chúng có nguồn gốc từ Trung Quốc

Việc nhập khẩu nguồn gien mới đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi ở Việt Nam. Hầu hết các giống ngoại không những được đưa vào sản xuất, chăn nuôi trực tiếp, mà còn được sử dụng làm nguyên liệu di truyền để lai tạo nhằm cải thiện năng suất của các giống trong nước. Một số giống vật nuôi nhập khẩu đã được nhân rộng và phát triển mạnh trong sản xuất như các giống lợn, bò sữa, gà. Chính nhờ có các giống vật nuôi nhập khẩu đã thúc đẩy sự phát triển phương thức chăn nuôi trang trại công nghiệp, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn[4]. Trên cơ sở nền giống ngoại, ngành chăn nuôi nội địa cũng đã lai tạo được một số nguồn giống tốt phục vụ chăn nuôi và thuần dưỡng. Đây là nguồn gen chuẩn để làm cơ sở nhân giống, cải tiến năng suất, chất lượng đàn giống hiện có trong nước[6].

Dù vậy, việc nhập khẩu và sử dụng các giống ngoại ồ ạt, thiếu sự kiểm soát gây ra hậu quả cho công tác bảo tồn và khai thác các giống vật nuôi trong nước và mang lại nhiều rủi ro cho ngành chăn nuôi do nhiễm các bệnh dịch mới. Cùng với việc nhập khẩu giống từ nước ngoài là việc du nhập thêm một số bệnh mới trên gia súc, gia cầm mà từ trước tới nay chưa hề có ở Việt Nam. Chẳng hạn bệnh Gumboro ở gà trước đây không có, nhưng nay thì khá phổ biến. Các bệnh cúm gia cầm và tai xanh ở lợn chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam trong mấy năm gần đây, nhưng đã trở thành đại dịch[4]. Việc nhập khẩu số lượng lớn, trong nhiều năm chỉ trong ngắn hạn, còn nếu dài hạn sẽ khiến ngành chăn nuôi bị động và mất kiểm soát trong chuỗi giá trị của ngành[6].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giống vật nuôi ngoại nhập ở Việt Nam http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/04/140403... http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/doanh-nh... http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/30-tr... http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/nhieu... http://baochinhphu.vn/Kinh-te/The-tran-nuoi-ga-Kho... http://baolamdong.vn/kinhte/201307/cay-dau-con-tam... http://baoquangngai.vn/channel/2022/201301/dau-cha... http://baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n65823/Phoi-giong... http://cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Dan-trau-Mura-cua-... http://dantri.com.vn/kinh-doanh/choi-ga-long-xu-10...